fbpx

Cách nhân giống cây điều từ hạt và bằng phương pháp vô tính.

by Farm Andy
nhân giống cây điều

Nhân giống cây điều từ hạt

4 yêu cầu sinh thái cần biết khi nhân giống cây điều.

Cây điều thực sinh hay nhân giống vô tính đều sẽ phát triển tốt nếu được trồng trong môi trường phù hợp. Bốn yêu cầu sinh thái cần thiết bao gồm nhiệt độ – độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa và loại đất trồng.

Nhiệt độ lý tưởng là từ 27 đến 40 độ C. Độ ẩm phù hợp với cây điều tối thiểu là 45 đến 56%. Cây điều là cây ưu sáng, chính vì vậy mà lượng sáng hàng năm nên ở mức 2000 giờ nắng/cây/năm. Lượng mưa nằm ở khoảng 1000 đến 2000 mm là tối ưu cho cây ra hoa, đậu trái. Các loại đất trồng điều phù hợp có thể đến đất đỏ bazan, đất xám,…

Chuẩn bị bầu đất và vật tư cần thiết.

kỹ thuật đóng bầu

kỹ thuật đóng bầu (nguồn: giáo trình bộ NN&PTNT)

Ở bước chuẩn bị bầu đất cần mua sẵn bầu ươm bằng nhựa PE đen dày 0,15 mm có đục 9 lỗ ở dưới đáy. Kích thước bầu ươm 15cm*25cm hoặc 15cm*35cm. Xếp bầu thành luống, mỗi luống 4 hàng bầu, cách nhau 0,6 – 0,8m. Ngoài ra, các vật tư khác cần chuẩn bị gồm:

  • Đất dùng để đóng bầu được pha trộn giữa đất mặt, phân chuồng ủ hoai và super lân. Ngoài ra, có thể thay bằng phân vi sinh, urê hoặc NPK. Tỷ lệ của loại này lần lượt là 70-90%: 10-30%: 0,5%. Ngoài ra, có thể bỏ 1 lượng nhỏ thuốc chống kiến, thuốc nấm hoặc thuốc trừ sâu đục thân vào chung. Để đóng bầu đất cần mở miệng bịch nilon, cho đất vào 2/3 bịch và lắc đều để trộn. Lưu ý không nên nén quá chặt vì sẽ làm rễ cây khó phát triển. Nếu nén đất lỏng thì dễ vỡ, làm đứt rễ.
  • Các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng cho nhân giống cây điều: Dithane M45, ViFudan 3G, Bi58, Thasudan, Bavistin 50FL, Bordeaux, Vôi, Chất bám dính,…
  • Dao ghép, kéo cắt cành, dây ghép nilon Trung Quốc, lưới chen, rơm, thuốc tím,…

Chuẩn bị vườn ươm cây con từ hạt.

Giai đoạn chuẩn bị hạt cần chú ý chọn hạt điều từ cây khỏe mạnh, năng suất cao (trên 10kg/năm). Thời gian hoạch hạt là vào mùa điều chín rộ. Không chọn hạt to hoặc nhỏ quá, chọn loại có kích thước trung bình. Ở giai đoạn này các bước tiến hành sau thu hoạch hạt gồm:

  1. Lựa chọn, rửa sạch và phơi khô hạt điều thô cho đến khi đạt độ ẩm chuẩn (khoảng 8 đến 10%).
  2. Bảo quản hạt điều tươi nguyên liệu trong kho khô ráo, thoáng mát. Để làm hạt giống thì không nên để trong kho quá 120 ngày.
  3. Trước khi gieo hạt nên thả vào nước và loại bỏ hạt nổi. Thời gian ngâm là từ 3 đến 5 ngày. Mỗi ngày cần thay nước và rửa hạt. Để phòng kiến đục nhân và nấm khi hạt nảy mầm cần ngâm hạt trong thuốc trừ sâu ngày đầu tiên và cuối cùng. Loại thuốc được sử dụng là Basudin 0,5% và Benlate C 0,5%.
  4. Tiếp đó, khi hạt đã no nước thì đem rửa sạch và ủ trong bao hay cát sạch. Nếu ủ hạt trong bao thì mỗi ngày cần tiến hành rửa chua. Rửa chua giúp giảm nhiệt độ cũng như loại bỏ ảnh hưởng của quá trình lên men của hạt. Nếu ủ trong cát thì nhà nông cần tưới nước để hạt đủ ẩm, nảy mầm.
  5. Hạt giống nứt nanh sau từ 3 đến 5 ngày ngâm ủ có thể đem trồng.
  6. Tiến hành cắt chóp rễ mầm trước khi gieo hạt. Mục đích là để cây con ra rễ cân đối và nhiều rễ bên.
chuẩn bị hạt giống trước khi gieo

chuẩn bị hạt giống trước khi gieo (nguồn: internet)

Bước gieo hạt: Nên đặt hạt nằm ngang, phần lưng của hạt hướng lên trên. Ấn hạt xuống dưới bề mặt khoảng từ 1 đến 2 cm rồi lấp đất lại. Trường hợp gieo hạt vào mùa khô thì nên phủ một lớp rơm lên trên và tưới nước mỗi ngày. Mục đích là để giữ ẩm cho hạt.

tiến hành gieo hạt

tiến hành gieo hạt

Ở bước chăm sóc cây con giống: cần lưu ý các việc sau:

  • Khi mầm điều đã nhú lên thì nên loại bỏ lớp rơm phủ ở trên để cây phát triển.
  • Để phòng sâu đục lá và bọ xít muỗi nên phun Sherpa 25EC. Ở những tháng đầu khi thân cây con chứa hóa gỗ thường dễ bị bệnh lở cổ rể. Để phòng tránh bệnh này nên sử dụng thuốc trừ nấm gốc đồng hay Benlate theo liều dùng được khuyến cáo.
  • Cần tiến hành bón phân theo tỷ lệ và khối lượng tương tự như vườn nhân chồi ghép.
  • Lưu ý khi tưới đủ nước và làm cỏ khi cây còn nhỏ.
  • Để cây ra nhiều chồi nên sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng.
  • Tiến hành phân loại cây giống nhằm làm đứt phần rễ đã cắm vào đất khi hạt đã gieo từ 30 đến 50 ngày. Phân loại cây giống còn giúp lọc ra các giống tốt. Từ đó tiện cho việc chăm sóc, xuất vườn hoặc chuyển qua ghép chồi.
  • Cây con sau 2 tháng tuổi nên đảo bầu 1 lần.

Ưu và nhược điểm của cách nhân giống cây điều từ hạt.

Phương pháp trồng cây giống từ hạt còn được gọi là nhân giống hữu tính (hoặc cây giống thực sinh). Cây có nhiều ưu điểm như:

  • Cách tiến hành đơn giản, ai cũng có thể làm được.
  • Giá thành cây giống thấp.
  • Số lượng cây giống sản xuất được cao.
  • Tuổi thọ cao
  • Cây được nhân giống hữu tính có khả năng thích ứng với ngoại cảnh tốt.

Nhược điểm của cách trồng cây con từ hạt là chúng không giữ được đặc tính của cây mẹ. Thông thường sẽ mất nhiều thời gian để phát triển trước khi ra hoa, đậu quả. Cây giống thực sinh thường có thân tán cao, khó cho việc thu hoạch trái điều.

Mối liên hệ giữa cây con trồng từ hạt và gốc ghép trong phương pháp nhân giống vô tính.

Cây con trồng từ hạt chính là gốc ghép sử dụng trong phương pháp nhân giống vô tính. Những hạt giống được sử dụng cần có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như các tác động ngoại cảnh. Đặc biệt những hạt giống này phải đến từ các cây cùng họ.

Phương pháp nhân giống vô tính hay còn gọi là nhân bản cây mẹ có nhiều đặc tính tốt. Các bộ phận được dùng để nhân bản có thế là rễ, thân, cành, lá hoặc thậm chí là một mảnh vỏ. Nhân giống vô tính không sử dụng hạt của cây mẹ. Mô hình trồng cây điều nhân giống vô tính có nhiều ưu điểm những cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để nhân giống vô tính chúng ta cần kết hợp gốc ghép và cành ghép. Kỹ thuật ghép chồi bao gồm 4 giai đoạn chính.

Nhân giống cây điều bằng kỹ thuật ghép

Thời gian và thời vụ tiến hành nhân giống cây điều.

  • Thời gian tạo gốc ghép là khi cây con được từ 60 đến 90 ngày tuổi. Thời vụ tạo gốc ghép diễn ra quanh năm.
  • Thời gian cắt chồi là từ chiều hôm trước. Chồi được lấy từ cây chuẩn bị phát đợt lá mới.
  • Thời gian nhân giống cây trong ngày diễn ra từ 6 đến 10 giờ sáng. Đây là thời điểm trời mát và cây đã tích trữ được lượng nước cần thiết vào đêm hôm trước.
  • Theo một số tài liệu thì thời vụ thích hợp nhất để nhân giống cây điều là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đặc biệt là với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ. Với vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nên tiến hành gieo hạt vào tháng 12 và tháng 1. Tiếp đó, tiến hành ghép vào đầu tháng 2 đến tháng 4 để có cây giống ghép trồng đầu mùa mưa.

Tạo chồi ghép từ vườn nhân.

Vườn nhân chồi ghép nên được bố trí ở nơi có đất tốt trong vườn ươm nhằm tiện cho việc chăm sóc. Thường thì để có đủ số lượng chồi đủ sản xuất giống vào năm sau, nhà vườn cần trồng vườn nhân chồi ghép sớm trước đó một năm. Để tiện cho việc quản lý chồi ghép cần phân loại và đánh dấu bảng tên cho từng khu vực trồng các dòng điều khác nhau. Khi chăm sóc vườn nhân chồi ghép cần lưu ý:

  • Tiến hành làm cỏ và bón phân định kỳ, ngay sau khi cây phát triển một đợt lá. Bón phần N, P2O5 và K20 theo tỷ lệ 3:1:1. Liều lượng tùy theo độ tuổi của cây nhưng khoảng từ 10 đến 50 gram. Để cây ra nhiều chồi nên sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng. Vào mùa khô nên tưới nước thường xuyên để cây không bị khô héo. Phun Sherpa và Benlate để phòng trừ sâu bệnh.
  • Khi cây đã phát triển đủ 2 tầng lá thì tiến hành cắt ngọn để tạo tán từ 1 đến 1,2 m và nhiều cành cấp 1 và 2.
  • Năm thứ nhất có thể thu từ 30 đến 50 chồi/cây. Từ năm thứ 2 trở đi thì có thể thu từ 80 đến 100 chồi/cây trong điều kiện cây điều được chăm sóc tốt và cắt chồi nhiều đợt.

Tạo chồi ghép từ vườn đang thu hoạch quả.

Trường hợp không thể tạo chồi ghép từ vườn nhân thì có thể lấy từ các cây điều đầu dòng. Tiêu chuẩn để chọn cây điều đầu dòng đã được Andy Farm đề cập trong các bài viết trước, các bạn có thể tham khảo tại đây. Một điểm cần lưu ý là với những cây đầu dòng ở những môi trường khác. Khi tạo chồi ghép cần giới hạn số lượng xuất phát từ chung một cây. Ngoài ra, không nên phát tán giống quá rộng.

Tiến hành ghép và chăm sóc sau khi đã ghép thành công.

Trước khi ghép cần làm giàn che cho cây với khả năng che sáng từ 50 đến 70%. Trước khi tiến hành ghép từ 15 đến 20 ngày cần loại bỏ cây còi cọc hoặc bị dị dạng. Tiếp đó, phân loại cây theo tình trạng phát triển. Hòa phân urê với nước để tưới cho cây.

Có rất nhiều cách để ghép nhưng phổ biến nhất là ghép áp và ghép nêm. Lý do là cách ghép này cho tỷ lệ sống cao nhất. Sau khi ghép thành công cần tiến hành các công việc sau:

  • Kiểm tra mắt ghép sau 10 đến 15 ngày. Mắt ghép sống nếu tạo được mối liên kết (mô sẹo) cũng như còn xanh.
  • Tiến hành mở dây nylon khi thấy mắt ghép phình to và chồi đã ra lá non. Dùng dao lam rạch nhẹ trên đỉnh chồi đồng thời loại bỏ chồi nách. Trường hợp vết ghép được quấn bằng dây nylon tự hoại thì chồi ghép sẽ tự xé dây và phát triển.
  • Các hoạt động chăm sóc bao gồm bón phân, làm cỏ, tạo tán, tỉa cành và phòng trừ sâu bệnh. Một số bệnh thường gặp ở cây điều ghép bao gồm thối cổ rể, nấm rỉ sắt, sâu đục thân,…

5 điều kiện để nâng cao tỷ lệ ghép chồi thành công.

  1. Chồi ghép cần được lấy đúng kỹ thuật.
  2. Bảo quản chồi nơi ẩm mát.
  3. Tiến hành ghép nhanh, gọn, đúng kỹ thuật.
  4. Bịt kín chồi ghép
  5. Tưới nước đều và tỉa chồi nách sau khi ghép.

Quy cách và phẩm chất cây xuất vườn.

cây điều ghép 60 ngày tuổi

cây điều ghép 60 ngày tuổi (nguồn: Bộ NN&PTNT)

Cây xuất vườn cần cao từ 40 đến 60 cm tính từ miệng bầu. Đường kính cổ rể từ 0,8 đến 1,2 cm. Cây ghép phải có từ 8 đến 12 lá trở lên, không bị dị dạng hoặc sâu bệnh.

So sánh giữa việc nhân giống vô tính và ghép cải tạo vườn điều già cỗi.

Nhìn chung 2 phương pháp này đều gồm 4 giai đoạn: chuẩn bị gốc ghép, tạo chồi ghép, tiến hành ghép và chăm sóc sau ghép. Điểm khác biệt nằm ở gốc ghép. Ở phương pháp nhân giống vô tính là cây con lấy từ vườn ươm. Trong khi đó ở kỹ thuật cải tạo vườn điều già cỗi thì gốc ghép chính là những gốc già cỗi. Cả cây con lấy từ ươm lẫn gốc điều già là những giá thể giúp truyền dinh dưỡng đi nuôi cành ghép.

Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều chính thức được giới thiệu vào năm 2015. Trước đó 1 năm, ngày 8/3 hội điều Bình Phước và Vinacas đã tiến hành thí điểm ở những vườn điều già năng suất thấp. Trải qua nhiều lần cải tiến mô hình trồng điều ghép đã đạt được nhiều thành công. Không ít hộ dân đã tăng năng suất vườn điều lâu năm và vươn lên làm giàu.

Yêu cầu kỹ thuật khi thiết kế vườn ươm.

Vườn ươm cây điều là nơi thực hiện một chuỗi công việc liên quan như gieo ươm, nhân giống và huấn luyện. Xây dựng vườn ươm giúp tạo ra cây điều giống tốt. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển sau này của cây điều.

Tổ chức nhân lực, cơ sở vật chất và vị trí để làm vườn ươm.

  • Nguồn nhân lực: Những người có trình độ cũng như kinh nghiệm trong việc nhân giống cây điều ghép. Để hộ trợ cho những nhân lực có trình độ cũng cần một lượng lớn lao động phổ thông khác. Số lượng lao động trong vườn ươm phụ thuộc vào quy mô của vườn. Thông thường số lượng lao động cần là từ 20 đến 30 người/ha.
  • Cơ sở vật chất: Quy mô vườn ươm thay đổi tùy theo diện tích trồng điều. Một vườn ươm cần có diện tích tối thiểu 0,3 ha. Ngoài ra, vườn ươm cây điều cần có nguồn nước sạch ổn định, máy bơm, bình phun thuốc bảo vệ thực vật và dụng cụ cắt ghép.
  • Vị trí của vườn ươm cây điều phụ thuộc vào điều kiện chiếu sáng. Cây con sẽ phát triển tốt nếu được nhận ánh sáng mặt trời trực tiếp. Điều kiện tự nhiên cũng như của xã hội cũng quyết định vị trí đặt vườn ươm. Vườn ươm cần có diện tích đủ lớn để phục vụ sản xuất. Hệ thống giao thông, vận chuyển của vườn cũng cần phải tốt để vận chuyển phân bón và cây giống.

Thiết kế và xây dựng khu sản xuất và khu phục vụ sản xuất trong vườn ươm.

Khu sản xuất của vườn ươm gồm 2 phần là vườn ươm gốc ghép và vườn nhân chồi ghép.

  • Vườn ươm gốc ghép có lối đi rộng 0,8m thường xếp được 6 hàng bầu. Tổng chiều rộng của 6 hàng bầu là 0,6m. Mật độ cây gốc ghép là từ 380.000 đến 400.000 cây/ha. Trường hợp lối đi rộng 0,6m thì vườn ươm xếp được 4 hàng bầu. Mật độ từ 350.000 đến 480.000 cây/ha.
  • Vườn nhân chồi ghép là nơi cung cấp chồi, hom ghép. Vườn nhân chồi ghép có thể trồng dày hàng kép (1m*2m) hoặc trồng thưa, kép nanh sâu (3m*3m). Trường hợp trồng dày thì lối để cắt chồi rộng 3m, còn trồng mỏng thì rộng 4m.

Các phần khác của khu sản xuất bao gồm khu chứa đất đóng bầu, nhà xử lý hạt giống, khu vực lấy đất dành cho gieo hạt, ươm cây thực sinh và khu đất dành cho cấy cây huấn luyện cây con.

vườn nhân chồi ghép

vườn nhân chồi ghép

vườn ươm gốc ghép

vườn ươm gốc ghép

Khu phục vụ sản xuất bao gồm hàng rào bảo vệ, hệ thống đường đi, hệ thống tưới tiêu.

  • Hệ thống đường đi với đường chính đi qua trung tâm và chia vườn thành 2 hoặc 4 khu riêng biệt. Các đường phụ kết nối với đường chính tạo thành các “ô bàn cờ” tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, còn bao gồm đường tạm thời để tiện cho việc chăm sóc cây. Cổng ra vào gồm 1 cổng chính đi vào khu làm việc và 1 cổng phụ đi vào khu sản xuất.
  • Hệ thống tưới với vườn ươm tạm thời giúp bơm nước vào bình để tưới thủ công. Với vườn ươm cố định thì cần sử dụng các bể đặt trên cao để tưới trực tiếp xuống các luống. Nên xây hệ thống phun sương cho khu ươm cây đầu dòng. Trường hợp cây ở giai đoạn chăm sóc, nuôi dưỡng thì lắp hệ thống phun mưa. Hệ thống tươi thường có chế độ hẹn giờ giúp chủ động thời gian. Trường hợp với nền đất cứng thì còn có thể sử dụng phương pháp tưới thấm. Cách làm là bơm nước vào luống cho thấm đều rồi cho nước thoát hết. Mỗi tuần tiến hành làm một lần.
  • Hệ thống tiêu cần kết hợp với hệ thống đường đi tạo thành các rãnh thoát nước. Trường hợp vườn ươm gần ao hồ, bể chứa, đường dẫn thì cần sắp xếp cho không ảnh hưởng đến việc chăm sóc cây non.

You may also like