Table of Contents
Lợi ích của cây điều với sức khỏe theo quan điểm Tây y
Khi nói về lợi ích của cây điều với sức khỏe, ta thường hay nghĩ ngay đến nhân. Mặc dù nhân đúng là bộ phận giá trị nhất nhưng lợi ích của các bộ phận khác cũng rất đáng lưu ý. Có thể kể đến rượu ép từ quả giả dùng để súc miệng chữa viêm họng hoặc lá giúp chữa mất ngủ. Nào hãy cùng Andy Farm bắt đầu cuộc hành trình khám phá lợi ích của cây điều nhé.
So sánh thành phần dinh dưỡng của 2 bộ phận giá trị nhất trên cây điều.
Đầu tiên, Andy muốn khẳng định với bạn là 2 bộ phận giá trị nhất của cây điều là quả điều và hạt điều. Trong nghiên cứu y học người thường dựa vào hàm lượng dưỡng chất để xác định tác dụng với sức khỏe. Quả và hạt điều có hàm lượng dưỡng chất vượt trội so với các bộ phận khác của cây. Có một điểm thú vị là không phải dưỡng chất nào có trong quả cũng tìm thấy trong hạt và ngược lại. Mặc dù quả và hạt là 2 bộ phận “dính chặt vào nhau”. Bảng dưới giúp bạn đọc so sánh thành phần dinh dưỡng trong 100g trái và hạt điều.
Hạt điều (quả thật) | Trái điều (quả giả) | |
Năng lượng (KCal) | 605 KCal | 51 |
Chất đạm (gram) | 18,4 | 0 |
Carbohydrate (gram) | 28,7 | 12 |
Chất béo | 46,3 | 0 |
Chất xơ | 0,6 | 1 |
Vitamin E (mg) | 0,9 | 5,8 |
Vitamin K (mg) | 34,1 | |
Vitamin B6 (mg) | 0,417 | |
Vitamin B9 – folate (mcg) | 25 | |
Canxi (mg) | 28 | 10 |
Natri (mg) | 12 | |
Kali (mg) | 660 | |
Magie (mg) | 292 |
Nguồn tham khảo: medindia, healthline, medicalnewstoday
Bảng trên cho thấy hàm lượng magie trong hạt điều vượt trội. Loại khoáng chất này giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Magie trong hạt điều cũng giúp bảo vệ răng và nướu khỏi vi khuẩn tấn công.
Công dụng của quả điều thật
Ngoài ưu điểm giàu magie, hạt điều với hàm lượng calo cao cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hạt điều nhân chứa chất béo không bão hòa PUFA và MUFA giúp giảm chất béo có hại, cải thiện sức khỏe tim mạch. Chất chống oxy hóa trong hạt điều giúp loại bỏ các gốc tự do gây ung thư.
Ăn hạt điều thường xuyên cũng là cách giúp răng và nướu khỏe mạnh. Nhân điều cũng giúp cải thiện giấc ngủ của phụ nữ tiền mãn kinh. Đồng trong hạt điều giúp tăng sự linh hoạt của xương cũng như khớp và mạch máu. Hàm lượng sắt trong hạt điều giúp ngăn bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Công dụng của hạt điều còn bao gồm việc giúp sản xuất melanin giúp “xanh tóc, đỏ da”. Tocopherols, phytosterol và squalene trong hạt điều giúp bảo vệ tim.

lợi ích của quả cây điều đối với sức khỏe
9 Lợi ích và tác hại của quả điều khi ăn quá nhiều
- Trái điều tăng khả năng sử dụng chất béo và carbohydrate của cơ thể: Theo nghiên cứu vào năm 2013 đăng bởi Tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế. Uống nước ép điều trong quá trình tập luyện cường độ cao giúp đốt chất béo hiệu quả.
- Trái điều là nguyên liệu dùng trong sản xuất thực phẩm chức năng: Lý do là vì thành phần của quả điều bao gồm chất xơ, axit ascorbic và flavonoid.
- Nguồn cung Vitamin C trong quả điều cao gấp 5 lần so với cam.
- Nguồn cung cấp men vi sinh giá rẻ là công dụng khác của quả điều.
- Quả điều giúp bảo vệ sức khỏe bao tử: Quả điều với đặc tính chống vi khuẩn giúp điều trị viêm, loét dạ dày.
- Nước ép từ trái điều giúp bảo vệ mắt: Với hàm lượng lutein và zeaxanthin cao chúng giúp giảm tác động của tia UV. Trái điều thậm chí còn giúp giảm các trường hợp đục thủy tinh thể.
- Chế phẩm từ trái điều rất tốt cho làn da và tóc: Các protein trong quả điều giúp trẻ hóa làn da. Trái điều cũng giúp trị gàu và giúp tóc óng mượt. Nước ép từ quả điều được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì có chứa các chất chống oxy hóa. Dịch từ trái điều là nguyên liệu dùng để chế tạo dầu gội đầu và các loại kem thoa da.
- Tác dụng chống ung thư của quả điều: Tạp chí Nông nghiệp và Thực phẩm (1993) cũng đăng 2 nghiên cứu khoa học về tác dụng chống ung thư của nước ép quả điều. Cụ thể loại nước ép này giúp chống lại khối u vú cũng như ung thư cổ tử cung.
- Quả điều tốt cho bệnh nhân tiểu đường: Cả hạt và trái điều có lượng đường thấp và không có cholesterol có hại. Chính vì vậy chúng rất an toàn cho bệnh nhân tiểu đường. Trái điều cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tác hại của quả điều nếu dùng quá nhiều.
Trái điều có chứa cyanoglycoside (20,65 đến 26,61 mg HCN/100g) và axit oxalic (1,2 đến 1,7%). Đây là những chất kháng dinh dưỡng có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng quá nhiều. Có thể kể đến triệu chứng nổi mẩn thậm chí sốc phản vệ. Đây là dạng dị ứng thường thấy khi ăn xoài, một cây cùng họ với điều.
Lợi ích và lưu ý khi sử dụng lá cây điều trong việc điều trị tiểu đường
Theo nghiên cứu của Jaiswa, các chiết xuất từ lá cây điều giúp hạ đường huyết đáng kể. Kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy mức độ hạ đường huyết có thể so sánh với thuốc Pioglitazone. Lá điều có chứa carbohydrate, tanin, saponin, alkaloid và flavonoid. Ngoài khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa những dưỡng chất này còn giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Chiết xuất lá điều giúp ruột tăng tiết insulin đồng thời giảm hấp thụ glucose. Từ đó, tăng khả năng cải thiện hoạt động của mô tụy.
Lợi ích của lá cây điều còn nằm ở việc giảm các biến chứng tiểu đường. Các biến chứng tiểu đường có thể kể đến bệnh tim mạch, suy thận,… Lá cây điều có chứa Tannin giúp cải thiện tế bào beta đảo tụy. Chúng cũng giúp tăng insulin. Chất chống oxy hóa như quercetin, alkaloid, flavonoid ngăn chặn phản ứng phân hủy oxy hóa khử của Lipid. Ba chất này còn giúp loại bỏ gốc oxy hóa cũng như thải ion kim loại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý 3 vấn đề sau khi điều trị tiểu đường bằng lá cây điều:
- Lá cây điều cần được kết hợp với chế độ ăn kiêng cũng như việc tập thể dục để mang lại hiệu quả. Nếu chỉ sử dụng lá cây điều thì sẽ không giúp khỏi tiểu đường hay giữ mức đường huyết ổn định.
- Chế độ ăn kiêng đóng vai trò quan trọng khi kết hợp với lá cây điều để trị tiểu đường, đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường loại 2. Việc giảm cân giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, béo phì,… Tuy nhiên việc ăn kiêng cần đảm bảo dinh dưỡng để mang lại lợi ích tối đa.
- Điều trị tiểu đường bằng lá cây điều tại nhà không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ. Ngoài ra, việc kiểm tra đường huyết định kỳ là rất cần thiết. Vì đây là căn cứ để điều chỉnh chế độ ăn cũng như lối sống.
Ứng dụng của các bộ phận cây điều trong đông y và kinh nghiệm chữa trị dân gian ở các nước trên thế giới
Nhân điều – vị thuốc có tính nhiệt trong Đông Y
Hạt điều tươi là thực phẩm theo quan niệm của Đông Y có tính nhiệt, ấm lại có vị ngọt, bùi. Chính vì vậy mà chúng thường dùng làm thuốc trị cảm, ho, tiêu đờm. Ngoài ra, người suy nhược cơ thể, mới ốm dậy cũng được các lương y kê toa nhân điều.
Trái điều và rượu chế biến từ trái điều là bài thuốc dân gian chữa được bách bệnh.
- Rượu điều dùng để xoa bóp khi đau nhức, chống nôn mửa, viêm họng.
- Rượu từ quả giả cũng giúp trị bệnh thổ tả.
- Các bộ tộc trong rừng rậm Amazon cũng sử dụng nước ép từ trái điều để trị cảm cúm và mụn cóc. Rượu chế biến từ quả điều dùng để xoa bóp khi đau nhức, giúp chống nôn mửa. Nếu là loại rượu điều đậm đặc thì có thể chữa được bệnh thổ tả. Nhấm nháp rượu quả điều là cách để chống buồn nôn hiệu quả.
Axit trong vỏ hạt điều
Vỏ hạt điều chứa axit anacardic tiêu diệt vi khuẩn Gram+. Chính vì vậy mà người Phillippines thường dùng axit để bào chế ra thuốc trị áp-xe. Theo sức khỏe đời sống thì vỏ hạt điều nghiền nát đắp lên vết rắn cắn có thể trị được nọc rắn. Vỏ hạt điều cũng là một chất kháng nấm để trị nứt gót chân.
Kinh nghiệm chữa bệnh bằng lá điều ở Brazil và Peru

bột chiết xuất từ lá cây điều
Lá cây điều ở Brazil và Peru được dùng làm thuốc để thụt rửa để tiết dịch âm đạo cũng như điều trị tiêu chảy. Ở Brazil lá cây điều còn được sử dụng để trị tiểu đường, suy nhược cơ thể hoặc nhược cơ. Lá cây điều cũng được người dân Brazil dùng để điều trị rối loạn tiết niệu, hen suyễn, bệnh chàm, bệnh vảy nến, bệnh lao nhiễm trùng các hạch bạch huyết ở cổ (scrofula). Không chỉ vậy lá cây điều cũng là vị thuốc dùng trị khó tiêu, viêm phế quản, đau ruột, bệnh do ký sinh trùng leishmaniasis, bệnh hoa liễu, bất lực, đau họng hoặc rối loạn da do giang mai.

tannin có trong lá, vỏ và trái của cây điều
Cách trị bệnh bằng vỏ cây điều của người dân Philippines và Malaysia
Ở Philippines, người ta cạo và ngâm vỏ cây điều trong nước hoặc luộc làm thuốc sát trùng ngoài da. Ngoài ra, ở một nước Đông Nam Á khác thì vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy và tưa miệng ở trẻ em.
Gợi ý 11 bài thuốc Đông Y từ các bộ phận của cây điều
- Nhân điều trị kiết lỵ: Hạt điều nhân trắng kết hợp cùng hạt cau già, măng cụ, rau má (mỗi loại 300 gram). Đun chung với 650ml cho đến khi cô đặc lại còn 200 ml. Chia thành 2 lần uống mỗi ngày. Dùng trong 3 đến 5 ngày dể trị kiết lỵ.
- Dầu vỏ điều chữa chai chân, nứt nẻ chân, vết loét: Bôi dầu vỏ điều vào chân bị chai nứt nẻ 3 đến 4 lần/ngay trong 10 đến 15 ngày.
- Quả điều giúp ăn ngon, lợi tiểu, chống nôn mửa: Rượu từ quả điều giúp ăn ngon.
- Rượu từ quả điều chữa đau nhức xương khớp: theo SKĐS thì người đau xương khớp nên dùng rượu xoa bóp vào buổi sáng và tối. Sử dụng liên tục trong 10 ngày thì sẽ thuyên giảm đau xương khớp.
- Rượu điều giúp chữa viêm họng: Pha rượu điều với nước theo tỷ lệ 1:3 và súc 3 đến 4 lần/ngày. Nếu làm liên tục trong 5 đến 7 ngày sẽ chữa được bệnh viêm họng.
- Rượu điều chữa nôn mửa: Tương tư cách dùng rượu điều để trị viêm họng.
- Rượu quả điều lên men chữa đau nhức: Xoa bóp rượu điều 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trong 10 ngày.
- Lá điều chữa mất ngủ: Lấy lá điều phơi khô (20 đến 30 gram) sắc nhỏ rồi đun với nước (400ml). Lấy khoảng 100ml nước rồi chia thành 2 phần để uống mỗi ngày. Dùng trong 7 đến 10 ngày để trị khó ngủ.
- Lá điều trị tiểu đường: Bài thuốc gồm lá điều (20 lá), lá ổi (10 lá), bếp thanh hoặc bếp củi, ấm sắc thuốc và rây lọc. Rửa sạch sau đó cho lá điều lên bếp nước cho đến khi chuyển sang màu vàng. Sắc lá điều, lá ổi với khoảng 2 lít nước. Đợi cho đến khi lá chuyển sang màu đỏ thì dừng lại và lọc bã. uống nước lá điều thay nước lọc hằng ngày. Uống trong 3 ngày thì dừng lại và nghỉ trong khoảng vài tuần. Sau đó lại tiếp tục.
- Vỏ cây điều chữa cảm tả: Vỏ cây điều phơi khô thái mỏng. Sau đó lấy khoảng 20 gram đun với 450 ml nước. Khi nước cạn còn 150 ml thì chia làm 3 tương ứng 3 buổi trong ngày.
- Vỏ cây điều chữa tiêu chảy, viêm họng: Phơi khô và thái mỏng vỏ cây điều. Sau đó lấy 20 gram đung với nước. Khi lượng nước đổ vào giảm xuống 150 ml từ mức 450 ml thì lấy ra. Sau đó chia làm 3 phần để dùng trong ngày.

lá cây điều là thành phần trong bài thuốc trị tiểu đường

bột từ vỏ cây điều

vỏ cây điều phơi khô
Nguồn thực phẩm giá trị từ những bộ phận của cây điều
Hạt điều dùng để ăn trực tiếp và nguyên liệu dùng trong chế biến.
Nhân điều sau khi bóc tách lớp vỏ cứng có thể được rang với muối để ăn trực tiếp. Nhân được sấy hoặc chiên để làm sữa hoặc bơ hạt điều. Hạt điều tươi dùng để chế biến món ăn. Nhân điều là nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến:
- Socola nhân hạt điều
- Hạt điều tẩm mù tạt wasabi hoặc tẩm mật ong
- Các sản phẩm từ nhân điều thay đổi tùy theo kích thước như bánh ngọt, bánh quy, kem
- Thanh năng lượng
- Kẹo nuga
- Kẹo hạt điều
Một số món ăn và thực phẩm tiêu dùng từ trái điều
Ở Việt Nam, quả điều giả thường được dùng làm món rau sống chung với khế, chuối chát, rau tập tàng,… Ngoài ra, quả điều cắt dọc chấm muối ớt, muối xí muội ăn liền cũng được nhiều người dân Nam Bộ yêu thích. Với những bà bầu thèm chua, quả điều chứa lượng vitamin C là món ăn ưa thích. Tuy nhiên, bà bầu nên ăn ở mức độ vừa phải, tránh bị tưa lưỡi, rát họng. Nước ép trái điều sau khi đã khử vị chát là thức uống giải khát được nhiều người ưa thích.
Ở Ấn Độ, trái điều đã trở thành một phần cuộc sống. Sản phẩm tiêu dùng từ trái điều ở Ấn Độ rất đa dạng có thể kể đến:
- Mứt
- Đồ chua
- Rượu điều Feni đã vượt ra ngoài biên giới bang Goa và được người tiêu dùng Mỹ đón nhận. Quả điều Ấn Độ được dùng làm thạch, mứt, kẹo cay, kẹo ngọt, dấm,…
Lá điều là loại rau sống phổ biến ở Bình Phước và các tỉnh Nam Bộ
Lá điều non thường được dùng thay chuối chát làm món rau sống ở miền Đông Nam Bộ. Người dân ở đây sẽ dùng lá cuộn thịt băm xào. Các món ăn phổ biến có thể kể đến chuột đồng cuộn lá điều, thịt rắn xúc lá điều, tép riêu chấy xúc lá điều. Đặc biệt mùa nước nổi còn có thêm món cá linh kho lạt xúc lá điều.
Ứng dụng trong cuộc sống của cây điều
Trái điều chín dùng để diệt lăng quăng
Chỉ một lượng nhỏ quả điều được đưa vào sản xuất rượu và nước ép ở Việt Nam. Điều này dẫn đến lượng quả tươi dư ra gây ô nhiễm môi trường sau mùa thu hoạch. Hiện nay đề án ủ quả điều để chế biến thức ăn cho bò đang được nhiều tỉnh thành trồng điều ở phía Nam quan tâm.
Ở châu Phi người dân nơi đây thường ngâm quả điều chín trong các hồ chứa nước hoặc nơi có lăng quăng. Quả điều chứa acid ngăn cản quá trình phát triển của lăng quăng làm cho chúng bị tiêu diệt. Một ưu điểm khác của phương pháp này là không gây hại cho người và môi trường.
Dầu từ vỏ ngoài cùng của hạt điều
Lớp vỏ ngoài cùng của hạt điều có thành phần là axit anacardic (70%), cardol (18%), cardanol (5%). Đây là hợp chất được sử dụng làm sơn tàu, dầu bóng, dược phẩm và mỹ phẩm. Dầu từ vỏ cứng của hạt điều còn dùng làm ván ép, vật liệu chịu nhiệt, điện và điện tử,…
Trong khi đó lớp vỏ bên trong hay vỏ lụa được dùng để vệ sinh răng miệng, chất đốt,… Gần đây các nhà khoa học Singapore còn phát mình ra khẩu trang chống covid sử dụng màng vỏ hạt điều.
Lá điều là nguồn phân hữu cơ tại chỗ dồi dào
Lá điều còn được xem là nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây. Lá cây điều khi rụng xuống sẽ được cào lại thành từng luống dài. Tiếp đó, lá sẽ được phủ trichoderma và vôi bột. Mục đích là giúp lá cây điều mau hoai mục. Cây điều có rể nổi trên mặt đất. Chính vì vậy đây sẽ là nguồn dưỡng chất dồi dào để nuôi cây. Không những thế màng phủ nông nghiệp còn giúp giữ ẩm, hạn chế việc đất trồng cây điều bị trôi rửa. Từ đó, giúp đất thêm phần tơi xốp, nhiều dinh dưỡng. Sắp xếp lá điều thành luống cũng giúp tiết kiệm nhân lực cần để thu hái khi vào mùa.
Gỗ điều dùng để đóng đồ nội thất
Gỗ cây điều thường mềm, sáng, nhẹ nên thường dùng trong sản xuất ván nhân tạo, ván ghép thanh. Gỗ điều là nguồn nguyên liệu dồi dào với giá thành thấp nên được dùng làm bàn ghế, giường tủ, ván ghép… Thường thì gỗ điều sẽ được nhập khẩu từ Campuchia. Sau khi thu hoạch gỗ sẽ được cắt thành từng khúc hình trụ. Tiếp đó, chúng sẽ được xẻ thành từng miếng ván phục vụ chế biến gỗ điều xẻ sấy. Bước tiếp theo là ngâm tẩm trong bồn áp lực với các loại hóa chất khác nhau. Mục đích là để ngăn ngừa mối mọt. Gỗ thành phẩm sau đó được xếp vào lò sấy để sấy nhằm đạt độ ẩm cẩn thiết.
Các bài viết khác về chủ đề cây điều của Andy Farm: