Table of Contents
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều là một nội dung quan trọng trong Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam 2020. Cùng Andy farm tìm hiểu về kỹ thuật mới lạ giúp nâng cao năng suất cây điều nào!
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều là gì?
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều là cách giúp trẻ hóa những cây già cỗi. Những cây điều từ 5- 20 năm có năng suất hạt thấp sẽ được tiến hành ghép cải tạo. Cách trẻ hóa là ghép chồi của những cây giống đầu dòng vào những gốc điều già cỗi.
Cây điều đầu dòng là gì?
Cây điều đầu dòng là cây từ 8 tuổi trở lên có năng suất ổn định trong ít nhất 3 năm liên tiếp. Cây đầu dòng có khả năng chống chịu tốt hơn các cây khác trong cùng quần thể giống. Những cây điều này được cơ quan có thẩm quyền bình tuyển và công nhận để làm nguồn nhân giống vô tính. Cây điều đầu dòng thường thỏa các tiêu chí sau:
- Đặc trưng của cây điều đầu dòng sẽ không bị mất đi hoặc biến đổi trong quá trình nhân bản.
- Tán cây hình dù với tỷ lệ hoa đầu cành trên 95%.
- Vị trí cây đầu dòng phải đại diện cho toàn bộ quần thể. Không chọn cây đứng đơn lẻ hoặc ngoài bìa.
- Năng suất cây điều đầu dòng phải từ 30 đến 170 kg hạt thô/cây. Mật độ trồng 200 cây/ha. Độ ẩm của hạt tối đa 14%.
- Chất lượng hạt điều thô của cây đầu dòng thường đều nhau và có màu sáng. Tỷ lệ thu hồi nhân đạt trên 28%.
5 giống điều đầu dòng và 8 giống điều địa phương đã được tỉnh Bình Phước công nhận.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã công nhận 8 giống cây điều của địa phương là PL18, ĐP41, ĐP 27, BD944. Năm cây điều đầu dòng cũng được công nhận dịp này bao gồm BP18, BP27, BP43, BP68, BP89. Với các giống điều ghép PN1, Mh 4/5, MH 5/4 sở cũng đã tiến hành khảo nghiệm và công nhận. Đây là những giống đạt chuẩn năng suất và chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, sở nông nghiệp cũng lưu ý bà con nông dân không nên mua các giống điều không rõ ràng. Tránh thói quen tiện đâu mua đó vì dễ gặp phải giống bị sâu bệnh, chất lượng không đảm bảo.
Các bước trong kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều
Giai đoạn cưa tạo chồi gốc ghép.
Ưu tiên chọn những gốc mà hằng năm thường ra hoa, đậu quả kém để ghép trước. Tiếp theo là những cây nhiều trái nhưng thường là loại nhỏ, tỷ lệ thu hồi nhân thấp. Các dụng cụ cần chuẩn bị bao gồm cưa tay, kéo, dây băng nylon tự hủy, dây ghép cao su để cố định chồi. Ngoài ra, cần có dao cắt, đá mài, túi đựng dụng cụ ghép.
- Thời gian tạo chồi gốc: Khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 sau thu hoạch thì tiến hành cưa cây để tạo chồi làm gốc ghép.
- Trường hợp 1: Với cây chưa có chồi gốc thì cưa thân hoặc cành chính để tạo chồi gốc ghép. Lưu ý cành cần cưa thường cách mặt đất từ 70-100 cm. Tiếp theo, bôi vaseline vào chỗ vừa mới cưa tránh sâu bệnh gây hại. Sau khi chồi gốc ghép mọc thì giữ lại từ 10 đến 15 chồi, phân bố đều theo hướng của cây.
- Trường hợp 2: cây điều đã có sẵn chồi gốc thì tiến hành chọn chồi nào ở vị trí phù hợp. Một phương án khác là tạo vết thương cơ giới để kích thích chồi mọc. Khi chồi cần ghép đã phát triển tốt thì tiến hành cắt bỏ cành chính.
Chồi gốc ghép cần cần có từ 5 đến 7 cặp lá. Đường kính chồi từ 1 đến 1,5 cm. Chiều cao chồi gốc ghép là từ 40 đến 50 cm. Tại thời điểm tiến hành thì màu vỏ chồi gốc ghép hóa nâu và không bị sâu bệnh hại.
Giai đoạn chuẩn bị chồi ghép.
Chọn những chồi non hoặc cành từ những cây đầu dòng đã nói ở trên. Thời điểm lấy chồi ghép là ngay khi cây chuẩn bị ra đợt lá mới.
Với những nông hộ tự tiến hành cải tạo vườn điều của mình thì nên chọn những chồi ghép ưu tú nhất từ vườn của mình. Chồi ghép được lấy từ cây đầu dòng cần thỏa các tiêu chí:
- Chọn chồi chuẩn bị bung đọt có màu xanh. Bên ngoài có màu sáng.
- Đường kính chồi tối đa 0,6 cm;
- Chiều dài chồi là từ 7 đến 10 cm;
- Không chọn chồi quá già hoặc có vết sâu bệnh.
Tiếp đó, cắt chồi và tỉa bỏ lá. Quấn chồi tươi trong vải ẩm trước khi đặt vào thùng xốp. Lưu ý bỏ nước đá ở phía dưới đáy thùng để giữ cho chồi ghép được mát. Đậy nắp thùng xốp và để ở nơi thoáng mát. Cố gắng sử dụng chồi trong khoảng thời gian 4 ngày.
Bước tiến hành ghép cải tạo.
Khi tiến hành ghép cần chú ý:
- Thời gian ghép là khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Tránh ghép vào thời điểm mưa lớn tháng 9 và 10. Nếu ghép trong khoảng tháng 11 trở đi thì cần chủ động nguồn nước tưới tiêu.
- Tốt nhất nên ghép trong khoảng thời gian từ 6 đến 10 giờ sáng khi trời mát. Chiều từ 14 đến 17 giờ. Lưu ý chuẩn bị sẵn chồi ghép từ ngày hôm trước.
- Không tiến hành ghép khi trời mới dứt cơn mưa và lá cây điều còn ướt vì cây ghép dễ bị nhiễm trùng. Không tiến hành ghép khi trời nắng vì cây dễ mất nước
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều được chia ra làm 2 loại.
- Ghép áp: Dùng dao vạt cành ghép để tạo thành mặt phẳng từ 3 đến 4 cm. Làm tương tư với gốc ghép nhưng theo hướng ngược lại sao cho gốc và cành khít với nhau. Dùng dây nylong quấn quanh điểm ghép.
- Ghép nêm: Chẻ gốc ghép thành hình chữ V xuống khoảng 3 đến 4 cm. Với cành ghép thì cắt vát 2 cạnh cũng khoảng 3 đến 4 cm. Mục đích là để cành ghép đặt vừa khít vào gốc ghép. Dùng dây nylong quấn quanh điểm ghép.
Lưu ý: Trong năm đầu tiên chỉ nên ghép 1 phía của cây. Khi cành ghép phát triển ổn định thì tiến hành cắt ngọn của cành gốc ghép đó. Những năm thứ 2 và 3 bà con nên ghép cuốn chiếu những cành còn lại. Khi cành ghép đã cho năng suất cao, ổn định thì có thể cắt những phần cũ còn lại.

sau khi dùng dao để vát cả chồi gốc ghép lẫn chồi ghép thì đặt chúng cạnh nhau.

dùng băng keo nylong quấn quanh điểm tiếp xúc giữa chồi và chồi gốc ghép.

ghép nêm trong kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều

khi tiến hành ghép nêm chúng ta cần vát 2 cạnh của chồi ghép.

hình ảnh gốc điều sau khi đã ghép xong.
Giai đoạn chăm sóc vườn điều sau khi ghép cải tạo.
Ở giai đoạn này công việc chăm sóc bao gồm:
- Cách bón phân cho vườn điều vừa ghép xong cũng tương tự như vườn thông thường.
- Làm sạch cỏ cũng như tháo dây ghép khi chồi có 3 tầng lá trở lên (sau 6 đến 8 tuần).
- Cách tạo tán: Khi cành cây bắt đầu phát triển thì bắt đầu tạo tán. Trong trường hợp khuyết tán thì có thể ghép bổ sung.
- Cách tỉa cành: Với những cành tự nhiên, cành vượt, bị sâu bệnh,… thì nên loại bỏ. Việc cắt tỉa giúp tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng cũng như tước cành khi chưa phát triển ổn định. Lưu ý tỉa các chồi nách mọc ở gốc ghép.
- Việc phòng trừ sâu bệnh hải được thực hiện tương tư quy trình trồng và chăm sóc cây điều. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật được các chuyên gia khuyên dùng bao gồm Vidithoate, Bian, Selecron,… Các loại thuốc này nên phun định kỳ hằng tuần và liên tục trong 2 tháng đầu tiên.
Giải pháp cho 70% diện tích trồng điều cần trẻ hóa ở Bình Phước.
Tính đến tháng 4/2017 thì 70% diện trích trồng cây hạt điều ở Bình Phước đang cần được trẻ hóa để tăng năng suất. Cụ thể những cây điều ở đây thường không có nguồn gốc rõ ràng. Cây già thường cho trái điều nhỏ, ít trái cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh thấp. Nguyên nhân là do các nông hộ thường trồng điều bằng giống thực sinh, lẫn tạp. Dẫn đến tình trạng cây ra hoa, đậu trái thấp. Năng suất dưới 1 tấn hạt/ha/năm. Thậm chí các vườn điều ghép ở Bình Phước cũng cho năng suất thấp.
Chính vì lẽ đó mà kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều được kỳ vọng giúp:
- Tránh tình trạng chặt bỏ các cây điều non gây lãng phí.
- Giúp ổn định diện tích trồng theo hướng thâm canh.
- Nâng cấp diện tích trồng điều già cỗi bằng các giống mới có năng suất cao hơn.
Một vài điểm liên quan đến kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều (quy trình tạm thời)
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều được Cục trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT ban hành theo quyết định số 34/QĐ-TT-CCN ngày 8/5/2015. Tuy nhiên cần lưu ý đây là quy trình tạm thời vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu và chuẩn hóa.
Cục trồng trọt giao các sở nông nghiệp địa phương phối hợp với IASSVN hướng dẫn cho các nông hộ. Đồng thời, sở nông nghiệp cần tổng hợp và đánh giá hiệu quả của mô hình trồng điều ghép này. Tiến tới cải thiện, nâng cấp kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều.
Ghi nhận việc ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều ở xã Long Hà, Bình Phước.

kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều đã giúp tăng năng suất ở xã Long Hà, Bình Phước.
Theo ông Vũ Đắc Bộ, chủ nhiệm một HTX trên địa bàn xã Long Hà thì nhiều năm qua các hội viên của xã đã tiến hành ghép chồi trên các thân điều già. Và đã thu được rất nhiều kết quả khả quan. Cụ thể vườn điều của ông Hoàng Trọng Thanh (thôn Thanh Long) có rất nhiều cây “ngót nghét” 20 năm tuổi. Đứng trước hiện trạng này ông Thanh đã chủ động thí nghiệm kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều 8 sào của mình. Thay vì chọn mua những cây điều đầu dòng trên thị trường thì ông Thanh đã chọn những cây tốt nhất trong vườn của mình. Những cây được ông Thanh lựa chọn có hạt to, khỏe mạnh, năng suất lẫn khả năng chống chịu sâu bệnh cao.
Ông Thanh cho hay sau khi ghép một năm thì cây bắt đầu ra trái. Sang đến năm thứ 2 thì năng suất cao vượt trội so với trước khi ghép. Ông cũng lưu ý các nông hộ muốn thực hiện kỹ thuật này cần tập trung chăm sóc trong thời gian đầu. Bà con nông dân cần tập trung bón phân và phun thuốc khoảng 4 lần/năm. Chi phí nằm ở mức 8 đến 10 triệu đồng/ha.
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều “miễn nhiễm” trước các biến động thị trường cho các nông hộ như ông Thanh.
Ngoài việc năng suất hạt điều tăng gấp 3 lần thì kích thước cũng to hơn nhờ thừa hưởng gen từ cây mẹ đầu dòng. Trung bình mỗi kg vườn điều của ông sẽ cho 130 hạt với tỷ lệ thu hồi trên 30%. Cần phải nói thêm rằng tỷ lệ thu hồi thông thường nằm ở khoảng 28%. Giá hạt điều tươi nguyên liệu từ vườn của ông từ đó mà tăng thêm 2000 đến 2500 đồng/kg.
Vườn điều của ông thậm chí còn “miễn nhiễm” trước những biến động của thị trường. Khi giá điều thô ở Bình Phước giảm từ 27.500 đồng/kg xuống còn 25.500 đồng/kg thì giá ở vườn của ông Thanh vẫn nằm ở mức 28.000 đồng/kg.
Chia sẻ thêm về thành công của mình ông Thanh cho biết thêm: Mấu chốt nằm ở việc chọn cây mẹ có trái chùm, hạt to và chắc. Cây được chọn nên có vỏ mỏng. Nên tiến hành ghép vào những cây ít hạt, hạt nhỏ, có mật độ dày. Lý do là vì khi ghép chồi cần cưa bớt cành để vườn thông thoáng, quang hợp tốt.
Một cây điều ghép thường được cải tạo trong vòng từ 3 đến 4 mùa vụ. Sau khi ghép cần chăm sóc kỹ lưỡng để cây đủ sức nuôi nhánh mới, ra hoa kết quả.
Các bài viết khác cùng chủ đề cây điều: