Table of Contents
Cây điều là gì? Tìm hiểu cấu tạo giúp cây thích nghi ở những vùng đất khô cằn
Cây điều có tên Latin là Anacardium occidental L., là những cây công nghiệp dài ngày. Cây thuộc giới Plantae, bộ Sapinadales, họ Anacardiaceae, chi Anacardium. Cây điều có thân cao từ 5 đến 8m, trong điều kiện lý tưởng cây có thể cao trên 10m.

cây điều bao gồm rễ, thân, lá,…

cây điều trưởng thành cao từ 5 đến 8m, thậm chí 10 m nếu ở điều kiện lý tưởng.
Hệ thống rễ cái và rễ ngang của cây điều.
Rễ cây điều gồm 2 loại: rễ cọc và rễ ngang. Hai loại rễ này giúp cây có khả năng chống chịu hạn hán cực tốt, có thể lên tới 6 tháng.
- Rễ cái (cọc) ăn sâu vào lòng đất khoảng 80 cm sau từ 2 đến 3 tháng nếu trồng ở nơi đất cát tơi xốp. Sau 5 đến 6 tháng thì rễ cọc sẽ ăn sâu tới 2 m. Chức năng chính của rễ cọc là hút nước và giữ cho cây không bị bật khỏi đất.
- Rễ ngang có thể phát triển tới 50 đến 60 cm tính từ gốc cây. Rễ ngang giúp cây tìm kiếm và hút chất dinh dưỡng. Từ đó, nuôi cây, phát triển thân lá, ra hoa kết trái. Khoảng cách trồng điều cũng như mức độ màu mỡ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp chất dinh dưỡng. Chính vì điều này mà các nông hộ nên lưu ý khoảng cách trồng. Ngoài ra, cần phát quang cây bụi để rễ ngang phát triển tự do, không bị cạnh tranh.
Bảng: Kích thước rễ và thân cây điều theo từng độ tuổi (nguồn: nguồn: Tsakiris A, 1967).
RỄ | RỄ | THÂN | THÂN | |
Tuổi cây (năm) | Độ sâu (m) | Đường kính hệ thống rễ (m) | Chiều cao (m) | Chu vi thân (cm) |
1,5 | 1,0 | 1,2 | 2,0 | 229 |
2,5 | 2,0 | 4,6 | 4,0 | 432 |
3,5 | 2,3 | 5,6 | 4,6 | 1000 |
Thân cây điều.
Cây điều là loại cây có thân ngắn cao từ 6 đến 8 m. Vỏ thân và vỏ cành điều thường có nhiều mủ. Trong điều kiện ánh sáng, đất trồng phù hợp cũng như được chăm sóc tốt thì thân sẽ phát triển tới 10 m. Vì là loại cây ưa sáng nên cành thường phát triển mạnh để đón ánh nắng. Chính vì vậy nếu cây điều được trồng quá sát nhau sẽ làm chúng khó phát triển. Cần lưu ý tỉa cành và trồng cây ở khoảng cách thích hợp.
Tán lá phát triển cả về chiều ngang lẫn chiều dọc, có hình dù. Ở giai đoạn trưởng thành (6 đến 7 tuổi) tán lá có thể rộng đến 5m tính từ gốc. Diện tích tán lá giao động ở mức 50 đến 60 mét vuông. Khi cây còn nhỏ thì cành mọc sà xuống đất và cong. Khi trưởng thành, cành lớn mọc theo chiều ngang.
Lá điều và đặc điểm tập trung ở phần đầu cành.
Lá cây điều thường mọc đơn, chiếc. Tùy theo giống điều mà lá non sẽ có màu sắc khác nhau. Thường thì lá điều non sẽ có màu xanh nhạt và chuyển sang đậm khi già. Lá điều thường tập trung ở phần đầu cành với gân mọc sole. Lá điều có chiều dài từ 10 đến 20 cm, chiều rộng từ 5 đến 10 cm với cuống ngắn.
Lá điều là món rau sống quen thuộc của người dân Nam Bộ. Lá cây điều giúp tăng khả năng hoạt động của các mô tụy. Từ đó có tác dụng trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, với thành phần là carbohydrate, tanin,… lá điều có khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa.
Loài cây có cả hoa đơn tính và lưỡng tính ở chung một thân.
Hoa cây điều có đặc điểm nhỏ, đài hợp và có 5 cánh rời. Khi mới nở cánh hoa thường màu trắng, vàng nhạt với sọc vằn trải đều trên cánh. Dần dần, cánh hoa sẽ chuyển sang màu hồng sẫm. Thời điểm cây điều ra hoa là kết thúc mùa mưa và bước sang mùa khô. Cây điều khá đặc biệt khi có cả hoa đơn tính lẫn hoa lưỡng tính. Tỷ lệ giữa hoa đực và lưỡng tính là 6:1.
- Hoa điều đực có 1 nhị đực.
- Hoa điều lưỡng tính có 8 đến 10 nhị đực và 1 nhụy cái. Chỉ có 1 trong 10 nhị đực có khả năng thụ phấn, còn lại thì không. Nhị hoa hữu thụ này thường có chiều dài thấp hơn vòi của nhụy cái. Nhụy cái bao gồm bầu noãn chứa noãn duy nhất mà sau này phát triển thành quả.
Quá trình chọn giống bà con nên chọn cây có nhiều hoa lưỡng tính. Vì giúp tăng khả năng ra hoa và kết trái. Hoa điều thường mọc ở đầu cành để lấy ánh sáng và lưu thông không khí. Chùm thường có từ vài chục tới vài trăm bông.
Quá trình thụ phấn: Hoa thường được thụ phấn bởi côn trùng hoặc gió. Chính vì vậy không nên buộc túi vải vào hoa vì sẽ ngăn cản sự thụ phấn. Khi hoa nở mà xuất hiện mưa thì bao phấn sẽ không thể nứt ra. Dẫn đến việc thụ phấn không thể xảy ra do phấn không thể rớt vào bao phấn. Quá trình thụ phấn kéo dài trong buổi sáng hoa nở. Vì thụ phấn chéo nên tính năng tốt của đời mẹ sẽ không di truyền sang con nếu trồng bằng hạt.
Mùa hoa điều thường gắn liền với “con số ba” ở các giống cây điều thường. Ba năm trồng thì ra hoa, 3 tháng hoa nở và 3 giai đoạn phát triển. Thời điểm hoa lưỡng tính và hoa đực nở có sự chênh lệch. Do đó, tỷ lệ đậu quả (10,2%) thường thấp hơn so với tỷ lệ nở hoa
- Giai đoạn 1 (từ 2 đến 4 ngày) sẽ có khoảng 19 đến 100% hoa đực nở.
- Giai đoạn 2 (khoảng 70 ngày) sẽ có khoảng 60% hoa đực nở. Khoảng 20% hoa lưỡng tính nở. Như vậy, hoa đực thường sẽ nở trước hoa lưỡng tính.
- Giai đoạn 3 (13 ngày) sẽ có khoảng 67% hoa đực nở.
Quả và hạt điều – bộ phận có giá trị cao nhất của cây.
Nhân và vỏ của hạt điều.
Hạt điều (quả thật) chính là nhân mà chúng ta sử dụng. Khi hoa đã được thu phấn thì quả thật sẽ phát triển tới kích thước cực đại chỉ sau 1,5 tháng. Quả thật chỉ chiếm 10% trong lượng quả nhưng lại là phần có giá trị gia tăng nhiều nhất của cây điều. Quả cây điều thường có màu xám xanh khi tươi và chuyển sang màu nâu khi khô. Hạt điều thô thường nặng từ 5 đến 7 gram, gồm 3 phần:
- Vỏ cứng: Lớp vỏ này chiếm tới 70% trọng lượng hạt và thường dày đến 3mm. Vỏ cứng được chia nhỏ thành 3 lớp. Lớp ngoài cùng thường dai và cứng. Lớp ở giữa xốp, chiếm khoảng 30% trong lượng vỏ. Lớp giữa gồm những tế bào hình tổ ong có chứa nhiều dầu urushiol. Đây là chất độc có tác dụng bảo vệ nhân bên trong. Lớp trong cùng thường rất cứng.
- Vỏ lụa thường chiếm 5% trọng lượng hạt.
- Nhân điều có màu trắng nằm sâu bên trong 2 lớp vỏ đã nói ở trên. Giá trị kinh tế của nhân điều thì nhiều vô số kể. Bao gồm dùng làm lương khô, energy bar,… Andy đã có rất nhiều bài viết về chủ đề này nên ở đây xin không đề cập nữa.
Trái của cây điều.
Trái của cây điều là phần trái giả, hình táo phình ra, ở ngay phía dưới quả thật. Khi quả thật phát triển tới kích thước tối đa thì phần cuống bắt đầu phình to lên thành quả giả. Trái điều chứa tanin nên thường có vị chát, lúc chín thường ngọt.
Tìm hiểu thêm về giá trị của trái điều: Cách khử tanin để chế biến rượu điều và Rượu Feni – quốc tửu của Ấn Độ.
Một vài gạch đầu dòng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều.
Cây điều có nguồn gốc ở Brazil sau đó được người Bồ Đào Nha mang đi khắp thế giới. Ngày nay cây điều được trồng ở Việt Nam, Ấn Độ, Tanzania,… Theo ước tính hiện có khoảng 34 nước trên thế giới có trồng điều. Cây điều trải qua quá trình tiến hóa để đạt được hình dáng “tối ưu” hiện giờ. Bạn có bao giờ nghĩ tại sao lá điều lại chủ yếu mọc ở đầu cành chưa. Cũng chính vì đã tối ưu để thích nghi với khí hậu nhiệt đới nên cây rất dễ sống. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và cho năng suất hạt cao thì là cả một trời nghệ thuật.
- Khi trồng điều cần chú ý khoảng cách trồng tránh trường hợp khi cây phát triển thì tán cây đâm vào nhau. Thường thì nên tiến hành trồng điều vào đầu mùa mưa để đảm bảo lượng nước tưới cho cây. Bạn có thể chọn cây điều ghép hoặc hạt đã nảy mầm để trồng.
- Để chăm sóc cây điều thì bạn cần thuộc lòng câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Dù là loại cây có khả năng chịu khô hạn lên tới 6 tháng thì việc chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu là tối quan trọng. Mô hình trồng điều ghép đã thất bại ở nhiều nơi chỉ vì lý do không được cung cấp nguồn nước đầy đủ.
- Kỹ thuật bón phân cho điều là yếu tố thứ 2 được nhắc đến. Thường thì việc bón phân diễn ra ở thời kỳ kiến thiết (3 năm đầu) và thời kỳ khai thác (năm thứ 4 trở đi).
- Tam cần ở đây ý chỉ cần cù, chịu khó. Hiểu sâu xa là người nông dân phải biết nhìn vào các điều kiện ngoại cảnh để có biện pháp canh tác đúng. Các công việc bắt buộc phải có gồm làm cỏ, tủ gốc che phủ đất, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh gây hại.
- Với những vườn điều chưa khép tán để tăng thêm thu nhập bà con có thể trồng xen canh các loại cây khác. Có thể kể đến cây cacao, khoai mỳ,…
Một số giống điều phổ biến trên thị trường hiện nay
Thường thắc mắc khi trồng cây điều là nên chọn loại điều ghép hay điều hạt. Cây điều ươm từ hạt thường mất 4-5 năm mới cho trái và năng suất khoảng vài tạ/ha. Ngược lại, điều ghép có hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, chồi điều cũng có thể bán được cho người có nhu cầu nhân giống.
Ngoài những đặc điểm chung kể trên thì mỗi giống điều khi được trồng sẽ cho năng suất, tỉ lệ nhân và kích thước hạt khác nhau. Ngoài 3 giống điều phổ biến là PN1, AB0508, AB29 thì còn có thể kể đến giống TL6/3, TL2/11, ES-04,…
Giống PN1 – dòng điều nổi tiếng với năng suất cao.
Giống điều ghép PN1 được công nhân bởi bộ nông nghiệp vào ngày 9/9. Giống PN1 thường được trồng ở Đông Nam Bộ do thích nghi tốt với thời tiết. Các đặc điểm của giống điều PN1 là:
- Lá non thường có màu tím trong khi lá già thì màu xanh đậm.
- Quả non có màu xanh nhưng khi chín lại có màu vàng.
- Hạt non có màu tím nhưng khi chín lại màu xám trắng, vỏ mỏng.
Giống điều PN1 có tỉ lệ thu hồi nhân từ 26 đến 28%. Số lượng hạt từ 160 đến 180 hạt/kg với năng suất trung bình từ 2 đến 3 tấn/ha.
Đặc điểm của giống điều AB0508 và AB29
- Giống điều AB0508 có lá non màu xanh, phiến lá lớn hình bầu dục và hơi xoắn, xanh đậm. Quả non màu xanh và chuyển sang đỏ khi chín. Hạt non màu xanh nhưng là màu xám xanh, vỏ mỏng khi chín. Khi trưởng thành cây có thân thấp, tán dày. Cành phát triển mạnh và thường cho hoa sau 18 tháng. Quả điều thuộc giống AB0508 thường mọc thành chùm 10 đến 15 quả.
- Giống điều AB29 có đặc điểm lá và hạt non tương tư giống AB0508. Tuy nhiên quả non có màu xanh và chuyển sang vàng thay vì đỏ khi chín. Khi trưởng thành, cây thuộc giống AB29 có lá xanh nhạt hơn giống AB0508, phát cành mạnh. Tán cây trưởng thành thường dày và đều. Chùm từ 10 đến 15 quả. Hoa của giống AB0508 thường mọc quanh năm với số lượng hoa lưỡng tính cao. So với giống AB0508 thì AB29 có khả năng nhân giống vô tính tốt hơn. Giống có khả năng phát chồi mạnh, thu được nhiều chồi ghép.
Giống điều AB29 có tỉ lệ nhân đạt 30 đến 35%, kích thước khoảng 116 hạt/kg. Năng suất trung bình từ 3 đến tấn/ha bắt đầu từ năm thứ 8. Trong khi đó giống AB0508 có kích thước hạt to hơn khoảng 130 đến 140 hạt/kg. Tỉ lệ thu hồi cũng như năng suất khá giống AB29.
Năng suất, tỉ lệ nhân và kích thước hạt của một số giống điều cao sản.
Giống điều ghép TL6/3 | tỉ lệ nhân: 28-31%; kích thước hạt trung bình (khoảng 140-150 hạt/kg); năng suất 2 – 2,5 tấn/ha. |
Giống điều TL2/11 | tỉ lệ nhân: 29-32%; kích thước hạt: 130-140 hạt/kg; năng suất 2-2,5 tấn/ha. |
Giống điều ES-04 | tỉ lệ nhân: 27,5%; kích thước hạt: 173 hạt/kg; năng suất hạt: 55-65kg/cây/năm. |
Giống điều EK-24 | tỉ lệ nhân: 28%; kích thước hạt: 120 hạt/kg; năng suất hạt: 35-45kg/cây/năm. |
Giống điều BĐ-01 | tỉ lệ nhân: 27%; kích thước hạt: 165 hạt/kg; năng suất hạt: 45-55kg/cây/năm. |
Giống điều KP-11 | tỉ lệ nhân: 27,5%; kích thước hạt: 150 hạt/kg; năng suất hạt: 45-55kg/cây/năm. |
Giống điều KP-12 | tỉ lệ nhân: 27%; kích thước hạt: 140 hạt/kg; năng suất hạt: 55-65kg/cây/năm. |
Cây điều ở Việt Nam.
Cây điều được đánh giá là cây công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Mặt hàng nhân điều nhiều năm qua luôn góp mặt trong danh sách “nông sản tỷ USD’ của nước ta. Chúng ta cũng đồng thời là nước sản xuất và chế biến nhân điều lớn nhất thế giới. Hạt điều Việt Nam được xuất khẩu tới trên 90 quốc gia trên thế giới.
Giá trị của cây điều không chỉ đến từ nhân điều mà còn từ quả, vỏ, thân,… Gỗ điều dùng để đóng bàn, tủ trong khi dầu vỏ điều được dùng nhiều trong công nghiệp đóng tàu. Cây điều được đánh giá là dễ trồng, có sức sống mạnh. Chính vì vậy mà ở Việt Nam mình cây được trồng để phủ xanh đồi trọc. Diện tích cây điều từ sau giải phóng đã tăng lên rất nhanh. Các vùng trồng điều phổ biến ở nước ta trải dài từ vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long. Nhưng phải nói không ở đâu cây điều lại phát triển như ở Bình Phước.
Bình Phước – thủ phủ của cây điều Việt Nam.
Với diện tích 175000 ha trồng điều, Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của hạt điều Việt Nam. Hạt điều Bình Phước tuy không to nhưng vị thì béo ngọt hơn hẳn điều nhập khẩu từ Campuchia hay châu Phi. Rất nhiều nước trên thế giới sẵn sàng trả giá cao hơn cho nhân điều có xuất xứ Bình Phước. Mặc dù vậy để xây dựng thành công phân khúc khách hàng riêng tỉnh Bình Phước cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu. Đồng thời cũng cần có những bước đi cụ thể để bảo vệ thương hiệu tỉnh nhà.
Hướng tới mục tiêu sản lượng trồng điều đạt 352.000 tấn vào năm 2030.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu xác định tăng năng suất từ 1,5 tấn/ha lên 2,1 tấn/ha vào năm 2030. Vì là tỉnh thuần nông với việc trồng cây điều là chủ đạo nên việc đưa năng suất điều đạt từ 243.000 tấn lên 352.000 tấn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nông dân trong tỉnh.
Mặc dù kế hoạch là vậy nhưng hiện tỉnh vẫn đang gặp phải vô vàn thách thức. Theo sở KH&CN Bình Phước tính đến năm 2021 diện tích trồng điều ổn định ở mức 140.000 ha. Diện tích trồng điều thường là tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ. Sản lượng điều trong 10 năm từ 2010 chưa có sự cải thiện. Năng suất điều từ năm 2010 đến 2019 chỉ giao động ở ngưỡng 1 tấn/ha, chưa có sự tăng trưởng.
Theo nhóm chuyên gia từ đại học Fulbright thì Bình Phước cần giữ nguyên diện tích trồng điều hiện thời. Hỗ trợ nông dân thâm canh 100.000 ha điều giống PN1 với năng suất 2 tấn/ha. Đồng thời, để giảm chi phí vận chuyển tới cụm công nghiệp Đồng Phú các vùng chuyên canh điều nên tập trung ở Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Tỉnh cũng cần phối hợp với các nhà khoa học để phát triển các giống điều mới với năng suất cao, ổn định. Cuối cùng địa phương cần tổ chức các lớp chăm sóc điều cho người dân trên địa bàn.
Kết nối với thị trường và nhà máy chế biến để cây điều Bình Phước thực sự cất cánh.
Một bước đi đáng ghi nhận của tỉnh Bình Phước là việc được bộ Khoa học và Công nghệ cấp “chỉ dẫn địa lý“. Song song với đó, cũng cần tạo ra sự kết nối giữa nhà nông và nhà máy chế biến trong tỉnh. Nếu kết nối chặt chẽ sẽ hạn chế được tình trạng điều châu Phi, Campuchia giả mạo thương hiệu Bình Phước. Hình thành cụm công nghiệp Đồng Phú với nhiều doanh nghiệp chế biến điều. Tỉnh cũng cần khuyến khích doanh nghiệp cơ giới hóa hoạt động chế biến điều thô. Cuối cùng, để đạt mục tiêu đưa 30.000 tấn nhân điều vào chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao năm 2030. Ngành điều Bình Phước cần đổi mới công nghệ cũng như tăng lao động trong chế biến sâu.
Những câu hỏi thường gặp xoay quanh cây điều và giống điều.
Năng suất cây điều thường năm ở mức nào?
Cây điều thường cho năng suất từ 70 đến 100 kg/cây, kích thước hạt khoảng 124 hạt/kg và tỉ lệ nhân đạt 33,6%. Khi thu hoạch cây cho từ 5 đến 7 trái/trùm. Cây điều lý tưởng phải có năng suất ổn định dù trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Cây điều trồng bao lâu thì cho trái?
Nếu trồng từ hạt thì cây sẽ cho trái sau 4 đến 5 năm trong khi nếu nhân giống vô tính thì sẽ mất khoảng 3 năm.