Table of Contents
Đất trồng điều phù hợp cần đáp ứng những tiêu chí như không nhiễm mặn, thoát nước tốt,… Yếu tố địa hình cũng quyết định cách chuẩn bị và thiết kế vườn điều. Cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị các nông hộ cần chọn loại đất tốt. Trường hợp đất xấu cần áp dụng các biện pháp cải tạo như dọn, làm đất hay lên liếp rửa phèn. Khi thiết kế vườn trồng cần chú ý hệ thống đường vận chuyển, làm băng chống xói mòn hoặc hàng cây chắn gió.
Loại đất và địa hình phù hợp cho việc trồng điều.

mặt cắt đất trồng điều (nguồn: bộ NN&PTNT)
Tiêu chí chọn đất thích hợp trồng cây điều.
- Đất trồng điều phải thoát nước tốt, không bị úng đặc biệt là khi bước vào mùa mưa.
- Đất trồng điều không bị nhiễm mặn nặng.
- Trường hợp đất bạc màu thì cần cải tạo. Trường hợp đất bị nhiễm phèn thì cần tiến hành rửa phèn.
- Đất phù hợp để trồng điều là nơi có mực nước ngầm sâu từ 3 đến 6m.
- Đất trồng điều thích hợp có độ pH từ 5 đến 6,5. Độ pH dùng để kiểm tra mức độ chua hay kiềm của đất. Độ pH trung tính nằm ở mức 7. Nếu lớn hơn 7 là đất kiềm. Nếu nhỏ hơn 7 là đất chua. Để đo độ pH người ta thường dùng máy do pH cầm tay. Nếu độ pH dưới 7 (đất chua) cần bón vôi kèm theo phân lót trước khi trồng.
Trường hợp cây điều được trồng trên đất thoát nước kém thì bộ rễ không phát triển được. Lý do là vì chúng không được cung cấp đủ không khí, không khô thoáng. Vào mùa mưa các loại đất thoát nước kém sẽ có hiện tượng mực nước ngầm dâng cao. Tác động tiêu cực đến bộ rễ, không ăn sâu được. Bộ rễ điều chỉ có thể lan ra trên lớp đất bề mặt. Kết quả là cây điều bị thiếu nước và chết.
Địa hình
Địa hình quyết định các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, lượng ánh sáng trong năm.
- Đối với đất bằng phẳng hoặc trũng thì nên làm hệ thống thoát nước tốt. Một phương án khác là lên mô.
- Đất có độ dốc trên 20 độ thì không nên tiến hành trồng điều.
Cách chuẩn bị để đất thích hợp trồng cây điều.
Chọn đất thích hợp trồng cây điều.
Nhìn chung cây điều sinh trưởng tốt nếu được trồng trong đất có thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước và có tầng đất sâu. Các loại đất thích hợp trồng cây điều có thể kể đến:
- Đất sét pha cát không có tầng đất cái, với nguồn nước ngầm sâu từ 3-6m,
- Đất cát pha dù không màu mỡ nhưng có khả năng thoát nước tốt,
- Đất đỏ bazan,
- Đất xám,…
Các loại đất dưới đây tuy cây vẫn sống nhưng không thường cho năng suất hạt điều thấp.
- Các loại đất sét nặng, bí chặt,
- Đất feralit vùng đồi có tầng đá nổi hoặc tầng sỏi kết gần trên mặt,
- Đất cát rời rạc có tầng nước ngầm quá sâu
Trường hợp nếu đất không phù hợp thì nên loại trừ hoặc áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp dưới đây.
Dọn đất trồng điều

dọn dẹp cỏ dại, thực vật gây hại trước khi trồng điều (nguồn: giáo trình bộ NN&PTNT)
Mục đích của việc dọn đất trồng điều là để giảm nguy cơ sâu bệnh cũng như sự lây lan của nấm mốc.
Các bước tiến hành dọn đất trồng điều bao gồm:
- Cần loại bỏ những loại cây bụi ưa sáng, mắc cỡ, cỏ tránh. Chúng là những loại cây có tính chu kỳ, phát triển mạnh vào mùa mưa. Các loại cây hoang dại này làm tăng nguy cơ cháy cũng như làm đất bạc màu.
- Với cây bụi lớn, có rễ ăn sâu xuống đất thì dùng máy ủi sạch rồi cày tơi và bừa lại một lần.
- Với cây bụi nhỏ và cỏ dại thì chỉ cày tơi và bừa lại, mỗi thứ 1 lần.
- Việc làm sạch thảm thực vật hoang dại cần được tiến hành vào đầu mùa mưa. Vì thời điểm này chúng mới tái sinh sau 1 chu kỳ nhưng chưa kịp ra hoa, kết hạt.
Trong quá trình khai hoang, hạn chế tối đa việc khai hoang trắng. Cần giữ lại các chỏm rừng và thảm thực vật tự nhiên ở đỉnh đồi. Vì chúng có tác dụng chống xói mòn.
Làm đất trồng điều.

làm đất tơi xốp giàu dinh dưỡng (nguồn: giáo trình bộ NN&PTNT)
Mục tiêu của việc làm đất trồng điều là để tăng chất lý, hóa học của đất. Ngoài ra, việc làm đất trồng điều cũng tránh việc rửa trôi, tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho cây. Việc này cũng giúp tăng cường lượng vi sinh vật trong đất. Cuối cùng làm đất có tác dụng ngăn ngừa cỏ dại cũng như mầm mống sâu bệnh hại.
Yêu cầu kỹ thuật đối với việc làm đất trồng điều.
- Làm đất đúng thời vụ, làm sớm trước khi trồng từ 1 đến 2 tháng.
- Làm đất kỹ, sạch cỏ dại, dọn sạch các loại gốc cây.
- Làm đúng độ sâu. Nếu làm đất bằng mày cày sâu 30 đến 35cm.
- Chuẩn bị đất cẩn thận tăng độ tơi xốp cho đất, tăng khả năng giữ nước, tăng khả năng hút và thoát nước, rễ cây phát triển tốt.
Nếu đất trồng điều có quy mô lớn, không thể trồng xen canh và địa hình vườn trồng khó có thể làm đất cơ giới thì cần:
- tiến hành dọn cỏ theo từng băng và đốt.
- Chặt cây thân gỗ trước khi đào hố trồng. Lưu ý không cần cày.
Việc làm đất trồng điều tuy phát sinh chi phí ban đầu nhưng các nông hộ sẽ được lợi về sau. Giảm công chăm sóc cũng như giúp cây sinh trưởng tốt, mau thu hoạch.
Lên liếp rửa phèn trước khi trồng.
Đồng bằng sông Cửu Lòng là vùng có mực nước thấp, tỷ lệ nhiễm phèn cao. Chính vì vậy những địa phương này cần tiến hành lên liếp để rửa phèn trước khi trồng điều.
mô hình liếp đơn (nguồn: bộ NN&PTNT)
Mỗi loại đất và mô hình canh tác sẽ có kiểu lên liếp khác nhau. Cụ thể:
- Đất trồng điều là loại phù sa không phèn: lên liếp tiếp theo kiểu cuốn chiếu. Với cách làm này lớp đất mặt sẽ được đẩy xuống dưới. Trong khi lớp đất ở dưới sẽ được đẩy lên trên, từ đó hình thành liếp.
- Đất trồng điều có phèn: xác định độ sâu của mương dựa vào độ sâu của tầng phèn. Áp dụng biện pháp kê liếp để không đưa lớp đất phèn phía dưới lên trên bề mặt. Đất phèn, đất oxy hóa sinh ra phèn là nguyên nhân gây chết cây.
Kích thước liếp thay đổi tùy theo loại đất. Cụ thể:
- Đất có phèn, mặn: Lên liếp đơn để rửa phèn. Có thể trồng hoặc xen canh với các loại cây chịu phèn như chuối, khóm.
- Đất cát pha địa hình bằng phẳng, dễ thoát nước: Không cần lên liếp. Vệ sinh đất và tiến hành cày để làm đất tơi xốp. Cần đóng cọc để tiện xác định hố trồng cũng như định hướng.
- Đất thịt khó thoát nước: Đào mương lên liếp với lớp đất mặt dày trên 1m, để bộ rễ điều dễ phát triển. Kích thước và kiểu liếp thay đổi tùy theo theo thực tế đất trồng.
Thiết kế vườn trồng điều.
Thiết kế hệ thống đường vận chuyển
Mục đích của việc xây dựng đường vận chuyển là để tiết kiệm đất, tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Khi thiết kế hệ thống đường lô cần lưu ý:
- Đất có độ dốc không quá 10 độ phù hợp để làm đường lô, đường liên lô. Bề rộng của đường lô là từ 4 đến 6m.
- Đất có độ dốc trên 15 độ thì phải làm đường lô trước khi khai hoang.
- Lô đất có đường vận chuyển bao quanh nên có diện tích từ 0,5 đến 2 ha.
- Hướng trồng của điều thay đổi tùy theo độ dốc của đất. Với những vùng đất bằng phẳng thì trồng theo hướng Bắc – Nam.
- Việc chuẩn bị hố trồng phải được đánh dấu trước tránh tình trang khoảng cách trồng không đúng như kế hoạch.
Thiết kế băng chống xói món

ruộng bậc thang giúp chống xói mòn
Nếu là đất đồi địa hình dốc thì nên tiến hành làm ruộng bậc thang trồng các hàng điều theo đường đồng mức. Mục đích là hạn chế xói mòn đất. Cách làm là lấy phần đất ở 1,5 m dốc phía trên gốc cây để đắp xuống phần đất ở phía dưới. Lưu ý trước khi làm ruộng bậc thang cần chặt cây, đánh gốc.
Thiết kế hàng cây chắn gió.

trồng cây chắn gió giúp bảo vệ vườn điều (nguồn: internet)
Ở những vùng có gió mạnh, cây điều thường bị gãy cành, rụng hoa, quả. Giải pháp cho vấn đề này bao gồm:
- thiết lập hàng cây chắn gió xung quanh. Cây chắn gió nên được trồng thẳng với hướng gió hoặc một góc nghiêng 60 độ. Cây chắn gió là những cây có tốc độ phát triển nhanh, khả năng chịu đựng cao. Những cây chắn gió này nên được trồng trước hoặc cùng lúc với cây điều. Một số loại cây chắn gió tiêu biểu bao gồm: muồng đen, keo tai tượng,…
- trồng xen canh theo từng đường lô trong vườn điều.
Đất trồng điều ở Gia Lai: một ví dụ về việc cải tạo đất đồi cằn cỗi.

điển hình cải tạo đất trồng điều ở huyện Phú Thiện, Gia Lai.
Làng Pông thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện là một vùng đất cằn cỗi. Tuy nhiên nhờ biết cách chuyển đổi diện tích đất trống đồi trọc, bạc màu thành đất trồng điều mà diện mạo nơi đây đang ngày càng khởi sắc.
Ban đầu vùng đất đồi này được dùng để trồng mì. Tuy nhiên, trong quá trình trồng đất không được cải tạo lại sử dụng nhiều phân hóa học. Điều này dẫn đến việc đất bị chai cứng, bạc màu. Một lý do nữa mà người dân làng quyết tâm cải tạo đất là vì thu nhập không cao.
Hai điển hình từ xã Chư A Thai và xã La Yeng.
Theo báo Gia Lai thì ông Đinh Tuy đã được Ủy bạn MTTQ xã Chư A Thai hỗ trờ 2 triệu đồng. Chính từ số tiền này mà ông đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng điều. Ông Tuy cho biết nếu chăm sóc kỹ thì chỉ 3 năm là có thể thu hoạch.
Ông Siu Đương có 2 ha đất phía triền đồi ở thôn Kte Lớn A, xã La Yeng. Cũng giống như ông Tuy trước đây ông chủ yếu trồng mì và mía. Năm 2016 gia đình ông được hỗ trợ kỹ thuật trồng điều ghép. Chỉ sau 2 năm, vườn điều nhà ông đã phủ xanh khu vực đất trống. Ông Siu Đương cho biết chủ yếu chăm sóc điều thời kỳ ra hoa, đầu quả. Nếu chăm sóc tốt thì cây sẽ cho năng suất cao.
Đẩy mạnh chuyển đổi đất bạc màu sang đất trồng điều.
Trước những kết quả tích cực này, phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện đang khuyến khích bà con chuyển đổi từ trồng mì, mía sang đất trồng điều. Với hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo thống kê thì 1 ha điều có thể cho từ 3 đến 4 tấn hạt/vu nếu chăm sóc tốt. Trong điều kiện giá hạt điều thô nằm ở mức từ 30.000-35.000. Sau khi trừ các chi phí chăm sóc thì mỗi ha người dân sẽ có lãi gần 100 triệu đồng/năm. So với các loại cây trồng khác thì nhân công, tiền thuốc bảo vệ thực vật cho cây điều thấp hơn. Không những vậy thời gian thu hoạch của cây điều có thể kéo dài đến 40 năm.
Bài viết có tham khảo giáo trình trồng mới điều của bộ NN&PTNT và trung tâm khuyến nông Đắk Lắk. Các bài viết khác có thể bạn quan tâm: